Học Bạ Chúa Giêsu

Cậu Giêsu, học sinh trường Nazaret, đem học bạ về nhà. Thật tình mà nói, kết quả không mấy tốt. Mẹ cậu biết thế nhưng không nói gì, bà chỉ ghi nhớ mọi sự trong lòng mà suy đi nghĩ lại. Nhưng điều gay do nhất bây giờ là phải trình học bạ này cho ông Giu-se.

Người gửi: Trường Simêôn tại Nazaret
Ngưòi nhận: Ông Bà Giuse và Maria
Nội dung: Học bạ của Giêsu

Toán học: Hầu như chẳng làm được bài toán nào, ngoại trừ nhân bánh và cá lên nhiều lần. Không biết làm toán cộng: cậu khẳng định rằng mình cộng với Cha thành một.

Tập Viết: Không bao giờ mang tập vở bút viết đến lớp, đành phải viết trên cát.
Địa Lý: Không có khái niệm về phương hướng. Cậu khẳng định rằng chỉ có mỗi một con đường để về nhà Cha thôi.
Hóa Học : Không chịu làm các bài tập thí nghiệm, cứ hễ thầy giáo quay lưng đi chỗ khác, là y như rằng lấy nước hóa thành rượu để làm trò vui cho các bạn học.
Thể Dục: Thay vì học bơi như mọi người, lại chỉ biểu diễn đi trên mặt nước.
Luận Thuyết: Khó có thể nói năng rõ ràng, nói gì cũng bằng dụ ngôn.
Trật Tự: Đã đánh mất mọi thứ đồ đạc, rồi tuyên bố xoành xoạch rằng mình chẳng có được một viên đá gối đầu!
Hạnh Kiểm: Có khuynh hướng thích giao du trò chuyện với kẻ lạ, bọn nghèo, hạ cấp và cánh phụ nữ trắc nết.

Đọc xong học bạ, ông Giu-se tự nhủ rằng tình trạng này không được kéo dài thêm, mà cần phải có biện pháp cứng rắn: “Này, Giêsu, đã vậy thì kỳ Phục Sinh này con đành phải vác thánh giá thôi!”

Chắc là Chúa Giêsu đang cười khi đọc đến bài này nhỉ! Ngài bảo gì?

Ối trời, Cha Giuse ơi, ngày xưa, con học hành khá hơn nhiều đó chứ! Thế mà giờ lũ trẻ cứ phiên phiến ra như thế! Con chỉ còn một viên đá gối đầu thật, nhưng đâu phải là con vứt đi các vật dụng, mà là con cho nhà hàng xóm đó chứ.

Khi Mẹ Maria may cho con áo mới mặc vào mùa xuân. Con thích lắm, nhưng sáng nay, con đi dạo chơi quanh làng, thấy cậu bé ở cuối xóm, mặc bộ quần áo rách bươm, con nghĩ đồ đạc của con còn nhiều, tốt hơn của bạn ấy, thế nên, về nhà, con gói ghém và tặng bạn ấy. Lần trước, đôi dép mới Cha cho con cũng thế. Cha thường dạy, chia sẻ như thế là rất tốt phải không Cha?
Con không bao giờ phân biệt kẻ nghèo, người giàu. Con thích giao tiếp với những người bị khinh bỉ, bỏ rơi.
Nhiều người nghĩ con là người điên, nhưng cha biết con rất tỉnh táo, phải không cha? Và cha vui vì điều đó. Cha luôn dạy con phải biết yêu thương mà.

Bây giờ con buồn ngủ rồi, chúc Cha ngủ ngon. Ngày mai, con sẽ nói tiếp cho các bạn ấy hiểu, con đã học hành như thế nào, cha nhỉ!

Sưu tầm từ facebook Giới Trẻ Thuận Phát

CÁC SỐ ĐIỆN THOẠI KHẨN CẤP

Những số này cần thiết hơn số: 911

1- Khi bạn xao xuyến, lo âu, gọi số… Ga 14

2- Khi bạn phạm tội, gọi số… Tv 51

3- Bạn gặp nguy hiểm, gọi số… Tv 91

4- Mọi người thất vọng, gọi số… Tv 27

5- Cảm thấy Chúa ở xa bạn, gọi số… Tv 139

6- Đức Tin bạn cần khuyến khích, gọi số… Dt 11

7- Khi bạn cô đơn và sợ sệt, gọi số… Tv 23

8- Khi bạn thiếu tin tưởng, gọi số… Mt 8,23-27

9- Khi bị xúc phạm và chỉ trích, gọi số… 1 Cr 13

10- Bị giao động về Đạo Chúa (Tín lý), gọi số… 2 Cr 5,15-18

11- Khi bạn cảm thấy bị ruồng bỏ, gọi số… Rm 8,31-39

12- Bạn đang đi tìm Bình an, gọi số… Mt 11,25-30

13- Cảm thấy thế giới này hơn Chúa, gọi số… Tv 90

14- Bạn cần Chúa Kitô như là Bảo hiểm, gọi số… Rm 8,1-30

15- Khi bạn đi nghỉ ngơi vài ngày, gọi số… Tv 121

16- Khi bạn cầu nguyện cho chính mình, gọi số… Tv 87

17- Khi cần sự can đảm cho bổn phận, gọi số… Giosuê 1

18- Khi bạn quyết từ bỏ để theo Chúa, gọi số… Mc 10,17-31

19- Khi bạn chán nản, thất vọng, gọi số… Tv 27

20- Khi tiền gởi ngân hàng bị hết, gọi số… Tv 37

21- Thấy mọi người không mến mình, gọi số… Ga 15

22- Bạn đang mất hy vọng, gọi số… Tv 126

23- Bạn thấy thế giới nhỏ bé đối với bạn, gọi số… Tv 19

24- Bạn muốn có hoa trái Thánh Thần, gọi số… Gl 5,18-24

25- Bạn muốn đổi mới theo hình ảnh Chúa, gọi số… Cl 3,9-10

26- Khi bị bệnh bạn cần cầu nguyện, gọi số… 2 V 20,1-6

27- Bạn muốn sống hoà hợp, gọi số… Rm 12,3-8

28- Khi vui hoặc buồn, gọi số… 1 Tx 5,16-18

29- Khi bị cám dỗ, gọi số… 1 Pr 5,8-9

30- Khi bị thiếu thốn về ăn mặc, gọi số… Mt 6,25-34

31- Khi không biết cầu nguyện, gọi số… Mt 6,5-6

32- Khi sự chết xảy đến, gọi số… Ga 11,23-26

33- Khi cha mẹ thiếu tác phong, gọi số… 1 Tm 3,3-4

34- Khi ham mê cuả cải, gọi số… Mt 19,21-24

35- Khi vợ chồng bất hoà, lủng củng… Cl 3,18-19

36- Khi lười biếng làm việc, gọi số… Cn 6,6-11

37- Khi muốn ly dị ly thân, gọi số… Mt 19,4-6

38- Khi nóng giận, gọi ngay số… Gc 1,19-20

39- Khi bị uy hiếp, hành hạ, goị số… Mt 10,26-28

40- Giữ điều răn thứ sáu, gọi số… Mt 5,27-30

41- Khi không tự chủ được, gọi số… Tt 2,2-3

42- Khi khó tha thứ cho nhau, gọi số… Mt 18,21-22

***

1* TẤT CẢ CÁC SỐ TRÊN CÓ THỂ GỌI TRỰC TIẾP, KHÔNG CẦN QUA TỔNG ĐÀI.

2* TẤT CẢ CÁC ĐƯƠNG DÂY LÊN THIÊN ĐÀNG ĐỀU PHỤC VỤ 24 GIỜ MỖI NGÀY ĐỂ NUÔI DƯỠNG LÒNG TIN CỦA BẠN!

Chúc bạn tìm được điều mình muốn qua Thánh Kinh.
Nguồn: Sưu tầm

Cười Thấm Thía


Đọc truyện cười, đôi khi không chỉ là để cười, để thư giãn.
Mà có thể, đằng sau những mẩu chuyện ấy là một bài học,
một thông điệp đến từ cuộc sống.
Đọc truyện cười, không chỉ là để cười, để thư giãn, đằng sau những mẩu chuyện, một bài học,  một thông điệp, đến từ cuộc sống
Câu chuyện thứ nhất: Một cậu học trò lớp ba viết rằng cậu muốn trở thành một diễn viên hài trong bài tập làm văn của mình. Thầy giáo Việt Nam phê: “Không có chí lớn”, còn thầy giáo người nước ngoài nói: “Thầy chúc em mang tiếng cười cho toàn thế giới”.

Là người lớn, chúng ta nên khuyến khích, cổ vũ hơn là đặt ra những yêu cầu quá cao đối với trẻ con. Hơn thế, chúng ta hãy mở rộng khái niệm thành công để trẻ con thoải mái tung đôi cánh ước mơ của mình.

 

Câu chuyện thứ hai: Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp, sau đó im bặt. Con trai nói: “Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát”, bố hỏi: “Tại sao con chắc như thế?”, con trai trả lời: “Vì không nghe tiếng mẹ la”.

Chúng ta luôn đánh giá người khác và đánh giá bản thân qua những tiêu chuẩn nào đó, thường khó khăn với người khác nhưng lại rất dễ dãi đối với mình.

Câu chuyện thứ ba: Người ăn mày nói: “Bà có thể cho tôi xin một ngàn không?”, người qua đường trả lời: “Nhưng tôi chỉ có năm trăm”, người ăn mày bảo: “Vậy bà thiếu tôi năm trăm nhé”.

Nhiều người trong chúng ta luôn cho rằng ông trời mắc nợ mình, cho mình không đủ, không tốt nên lòng tham đã che mất thái độ biết ơn.

Câu chuyện thứ tư: Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: “Cẩn thận, coi chừng khét!”, “Sao em bỏ ít muối thế?, “Ơi kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi”. Người vợ bưc bội: “Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!”. Người chồng mỉm cười: “Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải”.

Học cách thông cảm người khác không khó, chỉ cần chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.


Câu chuyện thứ năm: A nói với B: “Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm”. B hỏi: “Thế anh có báo cảnh sát không?”. A trả lời: “Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone”.

Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, chúng ta lại thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.

Câu chuyện thứ sáu: Hai cha con đi ngang qua một khách sạn 5 sao. Trông thấy một chiếc xe hơi xịn rẽ vào, cậu con trai nhận xét:
-Những người ngồi trên chiếc xe ấy đều có trình độ học vấn rất thấp!
Người cha ôn tồn đáp lại:
-Người vừa phát biểu câu ấy là người hiện trong túi không có lấy một đồng xu!

Con người thường có thái độ “ghen ăn tức ở”, khi nói ra điều gì, nhận xét việc gì đều thể hiện trình độ và “đẳng cấp” của mình. Bởi vậy hãy thận trọng!


Câu chuyện thứ bảy: Có hai đoàn khách nước ngoài đến tham quan một địa điểm du lịch sinh thái. Do trời mưa nên đường dẫn vào khu “Kỳ hoa dị thảo” lầy lội. Người hướng dẫn của đoàn thứ nhất bảo: “Xin lỗi quý khách, chúng ta không thể đi tiếp”. Còn người hướng dẫn đoàn thứ hai suy nghĩ một thoáng rồi nói: “Để quý khách thấy rằng việc tìm kiếm kỳ hoa dị thảo khó khăn như thế nào, Ban giám đốc công ty đã cố tình tạo con đường lầy lội cho quý khách có thêm cảm xúc thực tế”.

Hoàn cảnh khác nhau, quan điểm khác nhau sẽ nhìn một sự vật không giống nhau. Tư tưởng kỳ lạ như thế đấy bạn ạ! Nếu bạn chịu suy nghĩ thì quyền quyết định hoàn cảnh nằm trong tay bạn.

Câu chuyện thứ tám: Một phụ nữ vào tiệm kim hoàng, trông thấy hai chiếc vòng đeo tay giống nhau như đúc, một chiếc giá 2 triệu, một chiếc giá 20 triệu. Không chần chừ, bà ta liền lấy chiếc 20 triệu vì nghĩ rằng đắt tiền chắc chắn sẽ là đồ tốt. Khi vừa quay lưng bước đi, bà nghe nhân viên nói với nhau: “Không ngờ chỉ vì đính sai bảng giá mà chúng ta lời đến 18 triệu đồng!”.

Hãy xem, lắng nghe và kiểm định. Đó là lời khuyên trong câu chuyện này. Có nhiều thứ tưởng vậy, thấy vậy, nghe vậy mà không phải vậy, đừng vì chủ quan, tin vào suy nghĩ của mình mà lầm to.


Câu chuyện thứ chín: Hai vợ chồng vào xem triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ, trong đó có một bức tranh của con trai họ. Người vợ đi rất nhanh, mắt chỉ kịp lướt vào tên của tác giả ở mỗi bức tranh. Một lúc sau không thấy chồng, người vợ quay lại tìm. Người chồng đang đứng trước một bức tranh say sưa ngắm nhìn. Bức trang ấy lúc nẫy người vợ đã xem qua. Bà bực bội nói: “Ông đứng đó làm gì vậy? Sao không đi tìm bức tranh của con mình?”. Người chồng quay sang nhìn vợ: “Đây là tranh của con mình nè, nó quên ký tên trên bức tranh”.

Trong cuộc sống, có người chỉ lo chạy băng băng nên đã không thể tìm thấy thứ mình cần tìm, đánh mất cơ hội được thưởng thức hoa nở hai bên đường.

Câu chuyện thứ mười: Tại buổi lễ tốt nghiệp ở một trường cấp hai, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất nhất trong năm học. Đọc đến lần thứ ba mà vẫn không thấy ai đi lên sân khấu. Thầy hiệu trưởng nhìn xuống, hỏi cậu học sinh xuất sắc đang bình thản ngồi bên dưới:
-Em không nghe thầy gọi tên à?
Cậu học sinh đứng lên, lễ phép:
-Dạ, thưa thầy em đã nghe. Nhưng em sợ các bạn chưa nghe thấy ạ!

Danh và lợi đã vô tình trở thành chiếc lồng nhốt chúng ta vào trong ấy. Chúng ta luôn giáo dục con em mình phải cố gắng học thật giỏi, phải trở thành nhân vật xuất sắc nhất nhưng lại ít khi dạy các em tính khiêm tốn.

(Danong.com)  
Sưu tầm từ Blog Minh Xuân

Thời Giờ Là Của Chúa

tất cả những gì của Chúa là của con, Xin cho con biết làm tất cả mọi sự vì Chúa

Ở vào thời xa xưa, thời kỳ mà lý tưởng sống đạo cao đẹp nhất là phải vào tu trong sa mạc. Một tu sĩ trẻ nọ đã tìm đến với vị ẩn tu và giải bày tâm sự như sau:

 – Thưa cha, con không còn thì giờ cho riêng mình nữa: cứ phải mỗi ngày đọc hết bao nhiêu kinh nguyện và suy niệm với 150 Thánh Vịnh, con không còn thời giờ để đọc sách hay làm bất cứ sinh hoạt nào khác. Con có cảm tưởng như cuộc sống trôi qua quá nặng nề, đời sống thiêng liêng của con chẳng khác nào một thức ăn mà con phải nuốt lấy nhưng không có giờ để tiêu hóa, hoặc ngay cả hưởng nếm mùi vị.
Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, vị ẩn tu mới nói:
– Có một tù binh nọ bị giam giữ nhiều năm trong một căn phòng chật hẹp và tối tăm. Khi ông được trả tự do, một nhà hảo tâm nọ tặng cho ông một mảnh đất có sẵn một túp lều. Con người đã từng bị giam giữ lâu năm trong một căn phòng chật hẹp dĩ nhiên đón nhận túp lều và ngôi vườn chẳng khác nào như một thiên đàng. Giờ đây ông có thể đi lại tự do, tha hồ chiêm ngắm trăng sao, thưởng thức mọi thứ và muôn vàn điều vui thích do thiên nhiên mang lại. Nhưng chỉ sau một năm, trong đầu ông nảy ra một ý nghĩ: chả lẽ suốt cuộc đời mình phải chôn chặt trong một túp lều và khu vườn nhỏ bé này sao? Nghĩ thế, ông miệt mài làm việc kiếm tiền để xây dựng một ngôi nhà lớn hơn và tậu một khu vườn cũng lớn hơn. Nhưng căn nhà và khu vườn mới cũng chẳng làm cho ông thỏa mãn, ông lại miệt mài làm việc đêm ngày để nới rộng căn nhà và mua thêm đất đai. Nhưng cuối cùng, điều đã xảy ra cho mọi người thì cũng đến với ông: khi ông nhắm mắt xuôi tay, người ta cũng chỉ dành cho ông đúng bốn tấm ván mà thôi.
Nghe đến đây, người tu sĩ thắc mắc:
– Con không hiểu tại sao cha lại kể cho con nghe câu chuyện này, đời con hoàn toàn khác với đời người tù trên đây.
Vị ẩn tu giải thích:
– Nhưng con lại không muốn hiểu câu chuyện ấy. Cha muốn đặt để câu chuyện ấy vào trong trái tim của con như một hạt giống, nó sẽ mọc lên và sinh hoa trái.
Vị tu sĩ trẻ vẫn chưa hiểu hết ẩn ý của người cha tinh thần.
– Thưa cha, xin cha cho con biết một cách cụ thể: con phải làm gì?
Vị ẩn tu liền nói:
– Vậy thì con hãy làm theo điều ta dạy, và con sẽ tìm được sự bình an: từ nay, cứ sau mỗi giờ kinh, con đọc thêm một đoạn Tin Mừng theo Thánh Matthêu, và sau một tuần lễ đến gặp ta.
Sau một tuần làm theo lời khuyên của vị ẩn tu, người tu sĩ trẻ lại càng thất vọng hơn, bởi vì anh không còn thì giờ dành riêng cho mình nữa. Dù vậy, vị ẩn tu vẫn ra lệnh cho anh cứ sau một giờ đọc kinh, đọc thêm một cuốn sách Tin Mừng hay một lá thư của Thánh Phaolô. Sau một tuần nữa, thầy lại trở lại. Lần này, ngoài các bài đọc trong Kinh Thánh, vị ẩn tu còn ra lệnh cho thầy phải dành mọi buổi sáng để đi thăm viếng và mang thức ăn, nước uống đến cho những người đang sống một mình. Sau một thời gian khá lâu, người tu sĩ trẻ trở lại với vị ẩn tu. Với một niềm vui rạng rỡ trên gương mặt, Thầy thốt lên:
– Thưa cha, bây giờ con mới cảm nghiệm được rằng: thời giờ của con là của Chúa, mà bởi tất cả những gì của Chúa là của con, cho nên lúc nào con cũng cảm thấy có đủ thời giờ.
Lạy Chúa, tất cả nhưng gì của Chúa là của con. Xin cho con biết làm mọi sự vì Chúa.
– Chỉ có Chúa mới có thể ban đức tin, nhưng con có thể làm chứng cho đức tin ấy.
– Chỉ có Chúa mới có thể ban niềm hy vọng, nhưng con có thể tin tưởng nơi người anh em của con.
– Chỉ có Chúa mới có thể ban tình yêu, nhưng con có thể dạy cho người khác yêu thương.
– Chỉ có Chúa mới có thể ban hòa bình, nhưng con có thể xây dựng sự hiệp nhất.
– Chỉ có Chúa mới có thể ban sức mạnh, nhưng con có thể nâng đỡ những người yếu đuối.
– Chỉ có Chúa mới là con đường, nhưng con có thể làm cho ánh sáng ấy bừng lên trong ánh mắt của mọi người.
– Chỉ có Chúa mới là ánh sáng, nhưng con có thể làm cho ánh sáng ấy bừng lên trong ánh mắt của mọi người.
– Chỉ có Chúa mới là sự sống, nhưng con có thể mang lại cho người khác khát vọng được sống.
– Chỉ có Chúa mới có thể làm điều xem ra không thể làm được, nhưng con có thể làm điều có thể làm được.
Lạy Chúa, tất cả những gì của Chúa là của con. Xin cho con biết làm tất cả mọi sự vì Chúa. Amen.

Khi Bố Mẹ Già Đi

còn thơ bé, bố mẹ luôn là điểm tựa, khôn lớn trưởng thành, tự tin bước vào cuộc đời, bố mẹ bắt đầu già đi, quan tâm chăm sóc, cần sự bảo ban
Khi ta còn thơ bé, bố mẹ luôn là điểm tựa vững chắc cho ta trên mỗi bước đường đời. Thời gian trôi qua, chúng ta khôn lớn trưởng thành và tự tin bước vào cuộc đời thì cũng là lúc bố mẹ bắt đầu già đi. Mặc dù vậy với bố mẹ, con vẫn là đứa trẻ như ngày nào, vẫn cần sự quan tâm chăm sóc, cần sự bảo ban. Hãy sống để bố mẹ có thể tự hào về bạn và có thể trở thành điểm tựa, là niềm vui của bố mẹ lúc tuổi già.


Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vun vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc…Xin con hãy bao dung!

Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe!

Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.

Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.

Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.

Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu.

Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều… từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.

Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói… hãy để bố mẹ đôi chút thời gian để suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận… vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, đưọc gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!

Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!… vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.

Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.

Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.

Con đừng oán giận và buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!… và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ “sinh tồn”.

Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.

Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.

Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời.

Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…

Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại…

Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều…

Bố mẹ…

PIERRE ANTOINE (Việt kiều Pháp)

 Sưu tầm

Nói Với Chúa Chứ Không Nói Về Chúa

Nói Với Chúa,  Nói Về Chúa, nhiệt thành từ từ giảm nhiệt, đức tin yếu dần, Có phải ma quỉ xâm lăng tâm hồn
Một thầy dòng nọ viết như sau: tôi thấy thỉnh thoảng có những chủng sinh, linh mục giỏi về thần học lại bỏ cuộc. Trong số đó có các các vị là giáo sư thần học nổi tiếng đã từng viết những quyển sách về thần học rất hay; và nếu có lưu ý, chúng ta sẽ thấy những diễn biến đó không xảy ra một cách đột ngột nhưng chậm từ từ. Lòng nhiệt thành từ từ giảm nhiệt, đức tin yếu dần.

– Có phải ma quỉ xâm lăng tâm hồn và cướp mất lý tưởng không?

– Thưa không.
– Có phải vì tiền tài lạc thú bỏ lối họ từ từ đến chỗ nghi ngờ không?
– Thưa không.
– Mọi diễn biến đơn thuần ở chỗ những vị đó nói về Chúa nhiều quá mà quên nói với Chúa.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Tìm hiểu về Chúa không nhất thiết dẫn con người đến đức tin hoặc nuôi sống đức tin, chỉ có việc cầu nguyện, sống thân mật với Chúa mới giúp mình sống đức tin.
Thiên Chúa không thể là một đối tượng của khoa học được gọi là khoa học thần học hay giáo lý. Con người không thể tìm gặp được Chúa với lý trí mà thôi, mà cần thiết phải với đức tin. Ðức tin không phải là một cuộc khám phá mà là một cuộc gặp gỡ. Ðời sống tôn giáo không phải là biết Chúa mà thôi nhưng còn là phải sống với Chúa. Những chân lý về Chúa không phải là những chân lý bên ngoài cuộc sống mình, tin hay không cũng chả ảnh hưởng đến đời sống, nhưng đó là những chân lý nằm trong cuộc sống. Tin hay không quan trọng như sống với chết; và muốn được tin, muốn được sống không phải chỉ nói về Chúa mà thôi nhưng phải biết nói với Chúa. Không phải chỉ biết Chúa mà thôi nhưng phải sống với Chúa, không phải chỉ sống với Chúa mà thôi nhưng phải để Chúa sống trong tôi và tôi sống trong Chúa nữa.
Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con để chúng con tìm về với Chúa và tâm hồn chúng con chỉ được bình an khi chúng con gặp được Chúa. Chúng con biết gặp không phải là thấy là biết, mà là cùng sống với nhau một cuộc sống. Hai người gặp nhau là khi tất cả những cơ năng của cả hai đều đáp ứng với nhau để rung lên một nhịp điệu như nhau.
Xin cho chúng con luôn sống trong sự gặp gỡ với Chúa, bằng lời cầu nguyện, bằng sự vui lòng vâng theo thánh ý Chúa để thi hành chu đáo việc bổn phận của chúng con và để chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy đến trong cuộc đời theo thánh ý Chúa. Và nhất là biết nhìn thấy tất cả đều là yêu thương của Chúa để chúng con luôn trung thành yêu mến Chúa suốt đời.
Chúng con hết lòng cầu xin Chúa, xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen.

Mối Tình Đầu

EM. 
thầm yêu, thầm yêu Em, hai đứa, hai đứa cùng nhau, quỳ bên nhau, ngồi nhìn nhau, Tình yêu trong trắng như thiên thần, Tình yêu thắm thiết, như ruột thịt
Em thầm yêu Thắng. Thắng thầm yêu Em. Chúa nhật nào hai đứa cũng rủ nhau đi lễ ở nhà thờ Đức Bà. Hỏi tại sao, thì bảo là đi nghe cha Khảm giảng lễ. Lễ xong hai đứa cùng nhau đi ăn phở vỉa hè. Phở vỉa hè vừa rẻ vừa ngon. Đi lễ thì quỳ bên nhau. Ăn phở thì ngồi nhìn nhau. Tình yêu trong trắng như thiên thần. Tình yêu thắm thiết như ruột thịt. Cứ đều đặn như thế qua suốt hai mùa Giáng Sinh.

Em không ngỏ ý. Thắng không ngỏ lời. Tình lặng lẽ trôi. Thế rồi bỗng Hoàng nhảy dù xuống, đứng giữa hai người. Hoàng chánh thức xin cưới Em. Hoàng hơn Thắng về mọi phương diện: cao lớn, lực lưỡng, hoạt bát, học giỏi, con nhà giàu, lại được cả gia đình Em làm hậu thuẫn. Cha mẹ đốc vô, anh chị vun vào. Bạn bè của Em đứng hết về phía Hoàng. Thắng lủi thủi tránh mặt, chờ thái độ của Em.
Em yêu Thắng, còn Hoàng thì Em chỉ mới thích thôi. Lấy Thắng mà bỏ Hoàng thì thấy tiêng tiếc. Lấy Hoàng mà bỏ Thắng thì thấy thương thương. Em hỏi tôi: “Lấy Thắng? Lấy Hoàng? Hay là ở giá?” Câu hỏi của Em khó quá, nên câu trả lời của tôi đành treo lơ lững trên mây.
Em hãy tạm gác câu chuyện của Em sang một bên, để nghe tôi kể chuyện thiên hạ. Nghe chuyện người ta, để gẫm ra chuyện mình.
Có một bà mệnh phụ rất xinh đẹp và rất quý phái, rất dịu dàng và rất duyên dáng. Chồng của bà là một quan chức lớn. Tính ông rất điềm đạm và độ lượng. Cấp trên không dám ăn hiếp, cấp dưới không dám qua mặt. Tài đức song toàn. Một mẫu đàn ông lý tưởng. Con gái thì xinh như mẹ. Con trai thì hào hiệp như cha. Hạnh phúc chan hoà. Ai nhìn cũng ham. Ai thấy cũng thèm.
Hôm ấy bà mệnh phụ rủ người bạn tâm phúc từ tuổi thơ ấu đi viếng Đức Mẹ Bãi Dâu.
Chỉ hai đứa mình thôi, Em có một chuyện tâm tình muốn nói với chị.
– Bộ ông xã của chị lại sinh tật rồi hả?
– Không phải. Ra ngoài Vũng Tàu Em sẽ nói cho chị nghe.
Hai chị Em ngồi lần hột dưới chân đài Đức Mẹ. Hết chuỗi năm mươi, bốn ánh mắt nhìn về phía chân trời xa xăm. Im lặng…Im lặng đến chịu không nổi.
– Bộ ba tụi mình hồi đó chỉ có chị là hạnh phúc nhất. Em thì vui buồn đắp đổi. Còn Quỳnh Như thì mẹ goá con côi.
– Cám ơn chị. Ai cũng khen Em là hạnh phúc, mà hạnh phúc thật. Chồng như thế, con như thế. Ba mươi năm sống với nhau mà anh ấy chưa một lần nặng lời với Em. Nhưng suốt ba mươi năm, Em chỉ kính trọng và quý mến anh ấy chứ… chưa một lần yêu.
– Thế chị yêu ai?
– Anh Hưởng. Em chỉ yêu một mình anh ấy. Muốn quên mà không được. Mối tình đầu mà. Anh ấy cũng không quên được Em. Tuần rồi anh ấy viết thư cho Em: “Nếu Em đồng ý, thì chúng ta sẽ bỏ tất cả mọi sự ở Việt Nam. Chúng ta qua Paris và sống chung với nhau những năm cuối đời”. Em cảm thấy yếu đuối quá. Xin chị cầu nguyện cho Em. Nếu không được Đức Mẹ phù hộ, thì Em đã sa ngã từ lâu rồi.
– Thế tại sao hồi đó chị không lấy anh Hưởng?
– Em phải vâng lời cha mẹ. Cha mẹ Em có lý, vì anh này hơn hẳn anh Hưởng cả về tài lẫn đức. Cha mẹ Em chê anh Hưởng lóc chóc, không có chiều sâu.
EM
Em đã nghe tôi kể chuyện về bà mệnh phụ. Bây giờ Em hãy nghe tôi nói chuyện với bà ấy.
Chị,
1.Chị đã không lấy được người yêu, chỉ vì chị tôn kính và vâng lời hai đấng sinh thành. Suốt ba mươi năm trường, chị lặng lẽ nuốt sầu, để cha mẹ được vui. Lòng hiếu thảo của chị đáng được ghi vào sử sách. Suốt ba mươi năm ròng rã, chị vẫn một niềm quý mến và kính trọng chồng, một người mà chị chưa một lần nào cảm thấy yêu thương. Cũng suốt ba mươi năm ròng rã, chị luôn luôn là người mẹ dịu dàng và khôn ngoan, tạo được năm mặt con vừa đẹp vừa ngoan. Chị xứng đáng là người vợ gương mẫu, là người mẹ đáng tôn vinh. Một mình chị ngậm đắng nuốt cay, để mọi người trong gia đình được hạnh phúc. Tôi ca ngợi chị. Tôi ngưỡng mộ chị.
2. Nhưng nếu chị lấy được người yêu, thì người yêu ấy không còn là thần tượng của chị như bây giờ nữa. Cũng rất có thể là chị chẳng hề được hạnh phúc bên người yêu ấy. “Tình yêu chỉ đẹp khi còn dang dở” là thế. “Ở xa thì thơm, ở gần thì thúi” cũng là thế. Mọi thực tế ở trên đời này đều rất bình thường, hoặc rất tầm thường. Mọi cái đẹp chỉ có trong giấc mơ. “Đẹp như mơ” là vậy. Rất nhiều người đã lấy được người yêu đầu tiên, nhưng họ chẳng hề yêu nhau như chị và anh Hưởng đang yêu nhau đến thế, cũng chỉ vì hai người đã lấy được nhau. Vậy thôi!
3. Bản thân Chị là một bài học đắt giá cho mọi người làm cha mẹ.
3.1. Một người đàn ông có tư cách, có địa vị mà phải sống với một người vợ không yêu mình suốt ba mươi năm trường! Người vợ ấy chỉ là người đàn bà không hơn không kém. Chua quá! Đắng quá! Bất công vô cùng! Ai đã tạo nên nông nỗi ấy?
3.2. Ba mươi năm ròng rã, thân xác thì trao cho chồng, mà linh hồn thì dâng hiến cho người yêu. Như thế có phải là ngoại tình từ xa không? Có lẽ chị vẫn tự hỏi như thế. Lương tâm bị cắn rứt khôn nguôi. Khổ vô cùng! Ai tạo nên nông nỗi ấy?
Chị.
Tôi mong rằng chị là người cuối cùng bị ép bỏ người yêu để lấy người không yêu.




Tác giả Ngô Phúc Hậu, Lm
http://www.dunglac.org
Sưu tầm của Fiat Ngọc Lãm

Đức Dũng Của Nam Nhi


Mẹ Em đã đến khóc, Tất cả chỉ vì Em, không còn khả năng, để dạy con, Nó coi con không ra gì, Con của chị ngoan lắm mà
EM.
Mẹ Em đã đến khóc với tôi. Tất cả chỉ vì Em.
– Bây giờ con không còn khả năng để dạy con của con nữa. Nó coi con không ra gì.
– Con của chị ngoan lắm mà.

– Hồi còn bé nó rất ngoan, bây giờ nó bắt đầu hư. Hôm qua nó ăn cắp tiền. Con bắt nó nằm xuống, nó nằm thẳng băng như khúc gỗ. Con đánh mười roi. Nó không xin bớt, không xuýt xoa, không gồng mình, không khóc. Con đánh xong, nó đứng phắt dậy, cười hề hề: “Mẹ đánh như gãi ngứa”. Nói rồi nó bỏ đi một mạch… Chồng con phải bươn chải đây đó, có khi cả tháng chưa về một lần. Cực khổ như vậy mà vẫn chưa đủ ăn, thì còn giờ đâu để ngó ngàng đến con cái. Một mình con phải lo dạy dỗ nó.Nói thì nó không nghe. Đánh thì nó chê là gãi ngứa. Con không biết phải làm gì bây giờ. Xin cha cầu nguyện cho gia đình con.
– Con của chị chưa hư đâu. Nó bắt đầu làm người đàn ông đấy. Chỉ tiếc là nó đang ở giai đoạn quá độ: Ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng, cứ ngang ngang như cua bò. Nó không khinh dể chị đâu. Nó vẫn thương chị, nhưng nó không sợ chị nữa. Con trai nó vậy đấy…
Mẹ Em an tâm dắt xe ra về. Nhưng dường như nỗi lo vẫn còn đó, vì hai bánh xe lăn chậm chạp bên cạnh bà chủ thả bộ nhẩn nha. Còn tôi thì cười thầm trong bụng. Tôi cười mẹ Em, vì mẹ Em quá lo cái chẳng đáng lo. Tôi cười Em, vì Em ngạo nghễ một cách vô tâm vô tình.
Em
Mẹ Em là phụ nữ, sống bằng tình cảm nhiều hơn bằng lý trí. Chính Chúa đã an bài như thế, để Em được ủ ấp qua suốt tuổi thơ. Sữa và tình yêu là sản phẩm thiết yếu của tuổi thơ. Thiếu tình yêu bao la của mẹ, Em không thể trở thành một người bình thường được mà có nguy cơ trở thành con thú hung dữ. Em hãy cám ơn Chúa và biết ơn mẹ Em về tình yêu ấy. Nhưng bây giờ tình mẫu tử không còn là nhu cầu bức xúc nữa. Em bắt đầu trở thành người đàn ông, sống bằng lý trí nhiều hơn bằng tình cảm. Em thích làm cái dù che mát cho người ta, chứ không muốn người ta che dù cho mình. Vì thế mà Em không xin Mẹ giảm thiểu hình phạt. Van xin là yếu đuối. Em không sợ mẹ, vì sợ là hèn nhát. Em ngạo nghễ chê mẹ đánh như gãi ngữa, vì đó là anh hùng tính của nam nhi. Tôi biết có những bạn trẻ cầm than hồng trong tay và ngửi mùi khét của da thịt mình, vì muốn làm người hùng kiểu A-léc-xăng Đại Đế. Và chỉ có con trai mới chơi những trò như vậy.
EM
Em là con trai thì hãy:
“ Làm trai cho đáng nên trai
 Xuống đông, đông tĩnh; lên đoài, đoài tan”.
Làm trai thì phải hào hùng. Dũng là nhân đức nhân bản và căn bản của đàn ông. Dũng là căn tính của Em. Nhưng Dũng không có nghĩa là ngạo nghễ cwif vào mũi mẹ. Tôi hiểu rằng những cái nhỏ nhặt của phụ nữ không chiếm được lòng ngưỡng mộ của Em. Em không sợ mẹ là vì thế. Em không kính phục mẹ là vì thế. Nhưng Em không nên coi thường nỗi đau của mẹ. Em không muốn mẹ là cái dù che cho Em, thì Em hãy là cái dù che cho mẹ, bao bọc mẹ và nâng niu mẹ. Thế mới là cái Dũng của đàn ông.
Dũng không phải là đánh lộn, không sợ chết. Dũng cũng không phải là liều mạng đua xe không có thắng. Dũng không phải là trò cướp giật trước mũi công an… Những cái đó chỉ là mặt trái của đức Dũng mà thôi.
Em chỉ mới bắt đầu làm đàn ông. Đức Dũng mới chỉ nảy mầm trong Em. Em còn phải vun xới để nó lớn lên tới tầm mức viên mãn:
1. Em phải có ý chí mạnh, nghĩa là khó khăn nào cũng vượt qua, không bao giờ lười biếng. Một nhà tâm lý đề nghị: “Mỗi ngày bạn nên làm một vài việc bạn không thích. Như thế bạn sẽ có nghị lực chống lại những cám dỗ bất ngờ”. Khuynh hướng xấu trong ta dường như nhiều hơn khuynh hướng tốt. Thiếu nghị lực chiến đấu, ta sẽ đè bẹp bởi đủ mọi thứ tội lỗi.
2. Em phải tập để có tinh thần trách nhiệm cao. Bổn phận nào cũng phải chu toàn. Làm con Chúa, làm con cha mẹ, làm anh em, làm học trò, làm công dân… Tất cả đều là những bổn phận phải chu toàn. Phải can đảm lắm mới làm trọn bấy nhiêu bổn phận. Đó là cái Dũng của Em.
3. Em phải  mở mang kiến thức không ngừng, xứng đáng với sứ mạng làm con trai, nghĩa là “phải có danh gì với núi sông”. Em phải có quyết tâm không bao giờ đến trường mà chưa thuộc bài. Tôi có một ông bạn hồi còn học lớp sáu lớp bảy, ông học chẳng bằng ai – Ông chẳng hiểu gì về đại số. Ông không đủ khả năng sinh ngữ để đọc sách giáo khoa. Tức khí, ông bèn quyết tâm dùi mài. Áo có hai túi, thì một túi dành cho công thức toán lý hoá. Túi kia dành cho ngữ vựng tiếng Pháp – Mỗi ngày năm ngữ vựng viết trên một tờ giấy nhỏ, bỏ vào túi. Lâu lâu lại mang ra đọc một lượt. Đi cầu cũng đọc. Công thức toán lý hoá thì viết vào một tờ giấy nhỏ, bỏ vào túi bên kia và cũng đọc nhiều lần như ngữ vựng… Ông kiên trì như thế suốt một năm. Khi lên lớp tám thì ông đã đủ khả năng đọc sách báo bằng Pháp ngữ. Về toán lý hoá thì ông đi trước bạn bè một cấp, nghĩa là khi ngồi lớp tám, thì ông học toán lý hoá của lớp chín.
4. Trí khôn chỉ minh mẫn trong một thân thể cường tráng. Do đó Em phải kiên trì tập thể dục và say mê một môn thể thao nào đó. Tuổi trẻ thường chỉ trích thể thao, vì thể thao đem lại nhiều vinh dự. Tuổi trẻ không thích thể dục, vì thể dục âm thầm lặng lẽ và khiêm nhu không đem lại hào quan vinh dự. Dũng chính là kiên trì xây dựng sức khoẻ và sức chịu đựng. Thiếu đức Dũng, Em sẽ bỏ cuộc dở chừng. Đó là bán đồ phi phế và là bạc nhược, là không xứng với nam nhi.
EM.
Tôi chờ để thấy Em là một người đàn ông chân chính, có nghị lực, có uy tín, có địa vị. Tôi chờ để thấy Em là niềm hãnh diện của cha mẹ. Tôi chờ để thấy Em là niềm vinh dự cho vợ và cho con. Tất cả bấy nhiêu thành tựu đều là con đẻ của đức Dũng. Dũng là căn tính của Em.
Tác giả :Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Sưu tầm của Fiat Ngọc Lãm

SỜ ĐƯỢC ĐỨC KITÔ

Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã có lần kể lại như sau:

Một hôm, có một cô thiếu nữ đã tìm đến Ấn Ðộ để xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi. 

Chúng tôi có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, cũng đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Do đó, tôi đã nói với thiếu nữ đó như sau:

“Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ. Con đã thấy Ngài sờ đến Thánh Thể với chăm chú và yêu thương là dường nào. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà Hấp Hối, bởi vì con sẽ thấy Chúa Giêsu trong suốt ba tiếng đồng hồ”. Tôi mới hỏi lại sự thể đã diễn ra như thế nào, cô ta đáp như sau: “Con vừa đến nhà Hấp Hối thì người ta mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối… Con đã đến và đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô”.

Có lẽ chúng ta nên tự vấn: chúng ta có tin rằng, tất cả mọi cuộc gặp gỡ với tha nhân đều là một cuộc gặp gỡ với Chúa không? Ðức tin của chúng ta có được diễn đạt qua cuộc sống hằng ngày không? Thánh lễ mà chúng ta tham dự mỗi ngày có được tiếp tục trong cuộc sống hằng ngày không?
Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô, bởi vì Kitô giáo thiết yếu là một sức sống. Người Kitô đến bàn tiệc Thánh Thể để tiếp nhận sự sống và năng lực cho mọi hoạt động của mình.

Là trung tâm của cuộc sống, Thánh Thể được cử hành với đầy đủ ý nghĩa nếu việc cử hành đó gắn liền với cuộc sống. Cắt đứt liên lạc với cuộc sống, tất cả mọi cử hành chỉ còn là những động tác lãng mạn, viển vông.

Do đó, người Kitô sẽ mang đến bàn thờ tất cả cuộc sống của mình và múc lấy từ bàn thờ sức sống mới cho cuộc sống của họ. Hay nói cách khác, Thánh thể là một thu gọn của cuộc sống hằng ngày và cuộc sống hằng ngày là một tiếp nối của Thánh Thể. Ðức Kitô không những chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh Thể và gặp gỡ Ngài trong lúc cử hành, Ngài còn muốn chúng ta gặp gỡ với Ngài qua tất cả mọi sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống.

Bàn thờ trong giáo đường và bàn thờ của cuộc sống phải là một. Ðức tin của chúng ta không chỉ thể hiện trong nhà thờ, nhưng còn phải được tuyên xưng giữa phố chợ. Từng giây từng phút của chúng ta phải trở thành một cuộc gặp gỡ với Chúa. Từng cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người hèn kém nhất, phải là một gặp gỡ với Ðức Kitô.
Lẽ Sống

Những Cậu Bé Ăn Kem

TRẺ EM, ĐỨA BÉ, ĂN KEM, ĂN XIN, ĐỨA BÉ ĂN XIN
Tôi đã đến thị trấn nhỏ này nhiều lần và chẳng còn lạ gì cảnh những đứa bé ăn xin mặt mũi lấm lem chạy hết quán này đến quán khác xin tiền của khách du lịch. Tôi không phải là khách du lịch, tôi đến đây để làm việc, nhưng cũng không ít lần khó chịu vì bị 1 vài đứa bé nhằng nhẵng đi theo đòi 1 vài đồng bạc lẻ.

Hôm nay, cũng như mọi khi, sau khi rời máy bay, tôi đến 1 quán giải khát nhâm nhi 1 cốc bia trước khi trở về khách sạn. Quán hôm nay khá đông nhưng không thấy bóng dáng 1 đừa trẻ ăn xin nào. Tôi nghỉ chân được 1 lúc thì có 2 thằng bé ăn mặc khá luộm thuộm bước vào quán. Đây chắc chắn là 2 đứa trẻ ăn xin nhưng tôi không bận tâm lắm vì tôi biết ông chủ quan sẽ đuổi bọn chúng ra ngoài ngay thôi. Nhưng tôi đã lầm !Ông chủ quán vẫy tay về phía bọn trẻ, gọi to:

-Cần gì vậy 2 chàng trai ?
-Ở đây có kem hoa qủa không ạ ?

-Tất nhiên là có, vậy 2 cậu cần loại gì ?
-Dạ, có những loại như thế nào ạ ?

Tôi nghe ông chủ quan giới thiệu về từng loại kem, giá cả, mùi vị và thậm chí còn phân tích cho chúng thấy loại nào thì được nhiều người ưa chuộng hơn. Cuối cùng thì 2 cậu bé chọn 2 cốc kem trung bình về giá cả trong tiệm. Chúng ăn có vẻ rất ngon lành, thì như các bạn biết đấy, những đứa trẻ ăn xin như thế này hiếm khi được ăn những món ăn mà mọi người cho rằng rất bình thường. Khi ăn xong, đứa trẻ lớn hơn rút trong túi ra những đồng bạc lẻ, vừa vặn tiền 2 cốc kem đưa cho chủ quán. Người chủ vừa đếm tiền vừa nói :

-2 cậu đã chuẩn bị sẵn tiền rồi cơ à, thật sòng phẳng.

Lũ trẻ tạm biệt ông chủ quan ra về, chúng không còn vẻ sợ sệt như lúc đầu mới bước vào quán nữa. Khi chúng chuẩn bị bước ra khỏi cửa,ông chủ còn cố với theo:

-Cảm ơn 2 cậu, lần sau lại đến nhé!
Tôi tiến lại gần chỗ thanh toán tiền và nói:
-Này anh bạn, tôi thích cái cách anh đối xử vớ những đứa trẻ.

-Anh biết đấy, những đứa trẻ ở thị trấn này sống rất khó khăn. Chắc chắn ăn 1 cốc kem là 1 quyết định táo bạo, nhất là phải vào nơi chúng luôn bị xua đuổi. Chúng ăn và vẫn trả tiền cơ mà, tại sao chúng lại không được đối xử bình thường như những người khách khác? Nếu anh đối xử với chúng như những thằng ăn cắp, chắc chắn chúng sẽ thừa lúc sơ hở, “chôm” của anh thứ gì đó. Nhưng nếu được đối xử như những người khách hàng tử tế, chúng sẽ cư xử như những khách hàng lịch thiệp khác.

Người chủ cửa hàng không phải là người quen của tôi, tôi cũng không đến quán của anh ta thường xuyên, nhưng qua cái cách hành xử của mình, anh ấy đã khiến tôi khâm phục, khẩu phục. Cửa hàng của anh ấy tuy nhỏ nhưng luôn đông khách vì anh ấy đã biết cách làm cho khách hàng cảm nhận được giá trị đích thực của mình.
Sưu tầm